Có cần thiết phải tiêm vaccine COVID-19 mũi 3?
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp. Ảnh: Tùng Giang
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 sẽ có hiệu quả trong việc củng cố hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng bệnh. Tuy nhiên, cần căn cứ vào nguồn cung vaccine, đối tượng ưu tiên và tình hình dịch bệnh để xây dựng kế hoạch tiêm chủng.
Tiêm mũi 3 giúp củng cố hệ miễn dịch
Để tiến tới chung sống an toàn với virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát nhu cầu vaccine COVID-19 để tiêm cho người dân, đặc biệt là xây dựng kế hoạch tiêm nhắc lại mũi 3, 4.
Theo đó, tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 đợt 4 diễn ra mới đây, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, TPHCM chuẩn bị tiêm nhắc mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 11, 12 - 2021.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện nay một số nước đã tiến hành tiêm mũi tăng cường này.
"Trên thế giới, một số nước đã tiến hành tiêm vaccine COVID-19 mũi tăng cường (là liều thứ 3 đối với vaccine tiêm 2 liều cơ bản). Theo đó, mũi tiêm tăng cường sẽ giúp củng cố hệ miễn dịch phòng bệnh, bởi vì sau thời gian tiêm miễn dịch đã giảm dần.
Tuy nhiên, trong nước, để triển khai việc này cần tính toán kỹ lưỡng vì còn phụ thuộc vào nguồn vaccine, mức độ bao phủ vaccine và tình hình dịch bệnh tại các địa phương" - PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định và cho rằng, cần tăng tỉ lệ bao phủ vaccine mũi 1, mũi 2 trước khi tính đến tiêm mũi 3.
"Tại các địa phương, cần căn cứ vào nguồn cung vaccine, đối tượng ưu tiên và tình hình dịch bệnh để xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3.
Trước mắt có thể tiêm mũi 3 cho các đối tượng nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với dịch bệnh như: cán bộ y tế, cán bộ khu cách ly, những người chịu trách nhiệm chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, người có bệnh nền, người có suy giảm miễn dịch... Đặc biệt, phải cân nhắc theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế" - PGS.TS Trần Đắc Phu nêu ý kiến.
Tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 giúp củng cố hệ miễn dịch.
Loại vaccine mũi 3 nào phù hợp với 2 mũi tiêm trước?
Hiện nay, vaccine COVID-19 được xem là "tấm hộ chiếu" an toàn giúp cơ thể được bảo vệ bởi kháng thể, giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Theo đó, các loại vaccine phòng COVID-19 cần được tiêm theo thời gian cách nhau phù hợp, ứng với từng loại vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
"Với tất cả các loại vaccine, để có thể tiêm bổ sung (mũi 3 đối với một số loại vaccine đã tiêm trong thời gian vừa qua), người tiêm cần hoàn thành mũi tiêm thứ 2 ít nhất 6 tháng.
Bên cạnh đó, loại vaccine mũi 3 nào là phù hợp với 2 mũi tiêm trước phải dựa trên nghiên cứu thực nghiệm. Tốt nhất là tiêm cùng loại vaccine. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có đủ nguồn vaccine, vì vậy sự phối trộn vaccine phải tuân theo chỉ định của Bộ Y tế" - PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.
Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cũng cho rằng, để đảm bảo tiêm chủng minh bạch, hiệu quả, Bộ Y tế cần có hướng dẫn, chỉ định cụ thể về loại vaccine, đối tượng được tiêm, vùng được tiêm để "tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu dẫn đến không đồng bộ".
Bộ Y tế đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 mũi 3
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan căn cứ tình hình, kết quả triển khai tiêm chủng của địa phương và hướng dẫn về việc tiêm kết hợp vaccine của Bộ Y tế để đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine trong tháng 10 - 12.2021 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3 - 11 tuổi, 12 - 15 tuổi, 16 - 17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều (2 liều).