Số ca sốt xuất huyết nặng gia tăng vì nhiều người sợ Covid-19 không đi khám: Bác sĩ chỉ ra dấu hiệu cần đến viện ngay
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn - Ảnh H.V.
Do dịch bệnh COVID-19, nhiều người dân sốt cao nhưng e ngại không dám đi khám, khi tới viện được xác định mắc sốt xuất huyết chuyển biến nặng.
Số ca tử vong do sốt xuất huyết tăng
Theo thông tin cập nhật của Bộ Y tế từ báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong tại các địa phương: Bình Phước (6), Thành phố Hồ Chí Minh (2), Đồng Nai (2), Bình Dương (2), Bà Rịa -Vũng Tàu (1), Phú Yên (2), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Bình Thuận (1). So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc giảm, tuy nhiên số tử vong tăng 5 trường hợp.
Hà Nội đã bắt đầu ghi nhận bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn những ngày qua, các bệnh nhân mắc sốt xuất huyệt nhập viện đều đã nặng. Theo thống kê của Bệnh viện Thanh Nhàn trong những tháng vừa qua, có 300 bệnh nhân mắc các mặt bệnh truyền nhiễm thì có khoảng 270 bệnh nhân sốt xuất huyết.
Số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng nhập viện tăng - Ảnh minh hoạ.
BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết từ tháng 7-8 đã có bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Tuy không nhiều như các năm trước, nhưng tình trạng bệnh nặng hơn vì người bệnh sợ Covid-19 không đến khám.
Bệnh viện đã tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân ở nhà tự điều trị, chỉ khi nặng hơn, tiểu cầu giảm nhiều mới được người nhà đưa vào viện cấp cứu.
Mới đây, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân L.V.Đ (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bệnh nhân sốt cao 2 ngày tại nhà nhưng chỉ nghĩ là sốt virus. Lo ngại dịch bệnh nên bệnh nhân không đi khám, tự điều trị tại nhà. Tới ngày thứ 3, bệnh nhân Đ sốt cao 40 độ, được người nhà đưa vào bệnh viện. Bệnh nhân được test nhanh phát hiện bị sốt xuất huyết, tiểu giảm sâu xuống đến 6 (bình thường 120-140).
Để phòng chảy máu cho bệnh nhân, bác sĩ truyền tiểu cầu cho bệnh nhân. Sốt xuất huyết gây giảm tiểu cầu rất nguy hiểm và có thể chảy máu bất cứ vị trí nào.
Bác sĩ Hương khuyến cáo triệu chứng sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, đau mỏi người, đau bụng, chảy máu bất cứ bộ phận nào, khi thấy những triệu chứng này cần phải đến viện ngay. Với trường hợp sốt thông thường, đau đầu thì uống hạ sốt, tăng cường dinh dưỡng, uống bù nước thì bệnh nhân có thể điều trị, theo dõi tại nhà.
Không nên sợ Covid-19 mà không đi khám
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày khoa có đến 20 cháu nhập viện do sốt xuất huyết. Khoa hiện đang điều trị cho 40 bệnh nhân.
Năm nay, do tâm lý e ngại dịch bệnh, không đi khám khi có triệu chứng, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tới khám tiến triển đã nặng. Ngoài ra, có thể bố mẹ chủ quan hơn khi chăm sóc.
Có trường hợp bệnh nhi vào trong tình trạng nặng: ăn kém, mệt và có nguy cơ sốc. Bệnh nhi 6 tuổi, đến trong tình trạng sốt 3-4 ngày. Trẻ rơi vào giai đoạn thiếu dịch, tiền sốc nên bác sĩ truyền dịch, tăng dinh dưỡng. Trường hợp bệnh nhân này nếu tới muộn có thể bị sốc và tử vong.
Theo bác sĩ Sang, biến chứng nặng nhất của sốt xuất huyết là sốc, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
"Trẻ sốt xuất huyết có sốt cao, giai đoạn đầu giống sốt virus nên dễ nhầm lẫn. 2 ngày đầu nếu trẻ sốt liên tục trên 39 độ cần đưa trẻ đến viện thăm khám ngay", bác sĩ Sang lưu ý.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay hiện nay, đang là thời điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số ca mắc hàng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương.
Bác sĩ Hương khuyến cáo cách phòng dịch sốt xuất huyết hiệu quả nhất là người dân ngủ màn, diệt loang quăng bọ gậy, đến viện sớm và không chủ quan. Để tránh dịch chồng dịch, bệnh viện phun khử khuẩn quanh bệnh viện, tránh muỗi, không để nước đọng lâu ngày. Trong phòng dịch thì tuyên truyền để ý thức người dân nâng cao là rất quan trọng.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng, như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.