Hạn chế sử dụng điện thoại hay các thiết bị di động trong giao tiếp với con cái, đặc biệt là những trẻ có độ tuổi nhỏ, các bậc phụ huynh có thể giúp tăng khả năng học từ của con.
Dẫu biết rằng việc dùng các thiết bị điện tử quá nhiều sẽ có ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ nhưng khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, phát triển không ngừng, chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng dường như vẫn trở thành "vật bất ly thân" đối với đa số mọi người. Không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ cũng trở thành "con nghiện smartphone".
Cảnh tượng dường như quá quen thuộc ở nhiều gia đình hiện nay - Ảnh minh họa.
Hầu hết các bậc phụ huynh đều hiểu rõ tác hại của việc cho con dùng điện thoại thông minh sớm và tìm cách "lấy điện thoại khỏi tay con", thế nhưng họ lại quên rằng chính mình cũng phải bỏ thói quen dùng điện thoại trước mặt con.
Bởi lẽ, việc hạn chế sử dụng điện thoại hay các thiết bị di động trong việc giao tiếp với con cái, đặc biệt là những trẻ có độ tuổi nhỏ, các bậc phụ huynh có thể giúp tăng khả năng học từ của con.
Đó là kết luận được các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Temple (Mỹ) đưa ra sau một thí nghiệm được thực hiện gần đây nhằm tìm ra giải pháp giúp tăng cường quá trình học và tiếp thu ngôn ngữ ở trẻ.
Thí nghiệm này được thực hiện bằng việc yêu cầu một nhóm các bậc phụ huynh dạy cho con cái của họ một hoặc vài từ vựng, tuy nhiên việc dạy và học này được thực hiện qua giao tiếp điện thoại. Mục đích của thí nghiệm này là trả lời cho câu hỏi liệu việc nói chuyện qua điện thoại có làm giảm khả năng học từ vựng của trẻ hay không.
Kết quả của thí nghiệm này không nằm ngoài giả thiết đặt ra của các nhà nghiên cứu tại Đại học Temple thế nhưng lại khiến nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh phải ngạc nhiên.
Ông Kathy Hirsh-Pasek, nhà tâm lý học đồng thời là thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: "Hầu hết bọn trẻ không học được từ ngữ mới khi nói chuyện với cha mẹ qua điện thoại".
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng trẻ em sẽ học tốt hơn trong các cuộc giao tiếp một cách trực diện, vượt ra khỏi các kết nối xã hội này, việc học của trẻ sẽ kém hiệu quả đi rất nhiều. Họ gọi đây là "bộ não có giao tiếp xã hội".
Chị Jennifer Bell, một trong số những người tham gia vào nghiên cứu lần này, cho biết: "Tôi đã học được vài thứ khi tham gia vào khảo sát lần này. Rất nhiều lần tôi và mấy đứa con của tôi nói chuyện qua điện thoại và tôi đã tranh thủ để dạy cho chúng một vài điều bổ ích nào đó. Thế nhưng tôi nhận ra nó không hiệu quả như tôi nghĩ và chúng tôi đã bỏ phí một số thời gian học tập".
Qua thí nghiệm lần này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số lời khuyên đối với các bậc cha mẹ trong việc làm sao để giúp tăng khả năng học không chỉ ngôn ngữ mà còn những kiến thức khác.
Mấu chốt nằm ở cách thức giao tiếp. Hãy tắt bỏ tất cả những thiết bị điện tử khi ở cạnh con cái của bạn và hãy nói chuyện. Chưa hết, hãy cố gắng giữ cuộc trò chuyện đó được liên tục và không bị ngắt quãng.
Bên cạnh đó, thí nghiệm này cũng đưa ra một kết luận đó là việc tiếp xúc quá gần và thương xuyên với các thiết bị điện tử cũng sẽ làm chậm quá trình học tập và làm việc, không chỉ với trẻ nhỏ mà với cả những người trưởng thành.