Làm thế nào để trẻ thích ăn hay chí ít thì cũng không sợ ăn? Dưới đây là những "mẹo" đơn giản các mẹ nên biết để tham khảo.
Từ bỏ tư tưởng nhồi nhét: Việc ép trẻ ăn sẽ làm cho trẻ sợ ăn, lười ăn và có nguy cơ làm tổn thương tình cảm cha mẹ - con cái. Hãy cho trẻ có quyền lựa chọn đồ ăn, để trẻ tự ăn và dừng khi nào bé muốn.
Hoàn thiện dinh dưỡng cho trẻ: Bên cạnh "nghệ thuật cho ăn", bạn cần học thêm "nghệ thuật hoàn thiện dinh dưỡng" cho trẻ. Đây là khâu đặc biệt quan trọng bởi nó tác động trực tiếp đến chiều cao, cân nặng của trẻ.
Hãy giảm số bữa ăn. Một đứa trẻ 3 tuổi thực sự không cần đến 5 bữa ăn mỗi ngày. Giữa bữa sáng và bữa trưa, thay vì cho bé ăn cháo hay một lưng cơm, bạn hãy cho bé ăn một quả chuối hay miếng đu đủ, có thể sau đó bé sẽ ăn trưa một cách ngon lành.
Hãy giảm những bữa ăn vặt. Bạn thử xem liệu bé có hay ăn vặt không? Vài cái kẹo, một gói bim bim, tưởng như không là gì cả nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sự ngon miệng của trẻ.
Tạo cảm hứng để bé ăn nhiều hơn: Thay vì nói với trẻ "Con thử món này nhé, ngon lắm!" thì bạn hãy ăn món đó một cách thật ngon miệng - thậm chí bạn chẳng cần nói gì bé cũng sẽ tò mò và rất dễ bị "dụ".
Hãy chấp nhận một số ý thích trái khoáy của bé. Nếu bé nhất định đòi uống sinh tố cà chua với cam, bạn đừng lấy đó làm điều bực mình, hãy làm cho bé, chắc chắn rồi đến lúc bé sẽ chán.
Hãy giảm khẩu phần ăn của bé. Một miếng thịt nho nhỏ, một chút xíu cơm và vài thìa canh, ngần ấy cũng đủ để một đứa trẻ hai tuổi no bụng.
Đừng giấu những thứ bé không thích ăn vào các món ăn vì chắc chắn bé sẽ phát hiện ra và sẽ không chịu ăn gì nữa.
Bạn hãy quan tâm đến không khí của bữa ăn. Sự vội vã, lộn xộn, những xung khắc hàng ngày giữa bố và mẹ sẽ làm bé ăn mất ngon.
Chỉ có bé uống sau bữa ăn, chứ không để vừa ăn vừa uống, đặc biệt là trước bữa ăn.
Hãy để bé cùng tham gia nấu nướng. Bé sẽ thấy rau muống mà bé tự tay nhặt, hay món thịt mà bé tự tay trộn gia vị sẽ ngon hơn rất nhiều.