0Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc)
1,Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là tình trạng viêm nhiễm mắt thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây và gây thành dịch qua đường hô hấp, hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh. Do đó cần phải giữ vệ sinh thật tốt để kiểm soát, tránh gây lây lan bệnh cho mình và những người xung quanh.
2,Nguyên nhân do:
– Vi khuẩn.
– Virus.
– Dị ứng.
3,Dấu hiệu của đau mắt đỏ
– Đỏ mắt.
– Ngứa, cộm xốn.
- Đau mắt đỏ do vi khuẩn kèm theo đổ nhiều ghèn (rỉ) màu xanh, vàng dính ở 2 mi mắt vào buổi sáng.
- Trường hợp do virus thường chảy nước mắt nhiều, bệnh nhân rất nhạy cảm với ánh sáng, nổi hạch ngay trước tai.
- Đau mắt đỏ do dị ứng mắt ngứa rất nhiều kèm theo rỉ ở 2 khóe mắt.
Đây là những triệu chứng chung, tuy nhiên có những trường hợp phối hợp các dấu hiệu, vì thế bệnh nhân không nên dựa vào những triệu chứng đó để chẩn đoán và tự điều trị.
4,Bệnh đau mắt đỏ lây truyền như thế nào?
- Tiếp xúc trực tiếp với chất tiết, rỉ mắt của người bệnh như bắt tay, cầm, nắm, chạm vào những vật dụng đã nhiễm nguồn bệnh (tay nắm cửa, điện thoại, đồ dùng cá nhân, khăn mặt, gối …).
- Lây lan qua không khí.
- Sử dụng nguồn nước đã bị nhiễm bẩn.
Trường hợp viêm kết mạc do dị ứng sẽ không bị lây truyền.
5,Cách chăm sóc và điều trị khi bị đau mắt đỏ
-Khi đau mắt đỏ, bạn không nên tự điều trị, cần đến khám ngay với bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám, chẩn đoán xem có thật sự do viêm kết mạc hay không vì có những trường hợp đau mắt đỏ do viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn …
Tùy vào nguyên nhân cụ thể bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp:
- Viêm kết mạc do virus: bệnh tự khỏi sau vài ngày, cần chườm lạnh để giảm triệu chứng phù nề.
- Viêm kết mạc do vi khuẩn: bác sĩ sẽ kê toa bao gồm thuốc kháng sinh, kháng viêm để điều trị.
- Trường hợp do dị ứng sẽ được kê toa thuốc nhỏ hoặc thuốc uống giảm tình trạng dị ứng.
-Đặc biệt những bệnh nhân viêm kết mạc do vi khuẩn và virus cần giữ vệ sinh để đảm bảo không lây truyền bệnh cho người xung quanh của mình bằng cách rửa taybằng xà phòng thường xuyên trước và sau khi chạm vào mắt, che mũi và miệng khi hắt hơi.
- Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên nghỉ học hoặc nghỉ làm vài ngày cho đến khi khỏi hẳn để tránh lây bệnh. Đối với những bệnh nhân đeo kính áp tròng khi bị đỏ mắt phải ngưng dùng ngay. Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, không nên để đầu lọ thuốc chạm vào mắt và lông mi vì sẽ làm bẩn lọ thuốc. Nên dùng khăn mềm, nhúng nước, để vào ngăn lạnh sau đó đắp lên mắt để giảm các triệu chứng phù nề.
6,Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, tránh dùng chung các vật dụng với người bệnh ví dụ như bao gối, khăn tay, khăn chườm mắt
- Không sử dụng chung chai thuốc nhỏ mắt với người bệnh.
- Hạn chế đi bơi khi đang có dịch bệnh. Nếu có đi phải dùng kính bơi để tránh mắt tiếp xúc với nước hồ bơi. Đặc biệt những người dùng kính áp tròng cần tháo ra khi đi bơi để nước hồ bơi không len vào kính gây nên tình trạng viêm và đỏ mắt. Sau khi đi bơi nên rửa mắt bằng dung dịch NaCl 0,9% (nước muối sinh lý) để vệ sinh mắt.