NHỮNG
SAI LẦM KHI NẤU ĂN CHO TRẺ MẸ NÀO CŨNG TỪNG GẶP
Nhiều mẹ hay thắc mắc về việc đã cho bé ăn đầy đủ chất dinh
dưỡng và khẩu phần ăn phù hợp tại sao bé vẫn suy dinh dưỡng, thấp bé nhẹ cân.
Có thể nguyên nhân là do chính cách nấu thức ăn của mẹ đã làm mất đi khá nhiều
chất dinh dưỡng trong thức ăn dành cho trẻ.
1. “Lạm dụng” máy xay sinh tố
Ảnh
minh họa
Nên cho bé ăn với đúng độ tuổi, không nên quá lạm dụng máy xay
sinh tố
Có
nhiều trẻ 3-4 tuổi, răng mọc đầy đủ rồi mà vẫn còn phải ăn bằng máy xay sinh
tố, vì cứ ăn lợn cợn là bị nhợn ói. Điều này thường xảy ra ở những đứa trẻ “con
cưng” mà bà mẹ thì quá sợ việc trẻ nhợn ói. Để tránh điều này, nên tập cho trẻ
ăn những thức ăn phù hợp trong từng thời điểm của trẻ. Khi trẻ 6 tháng tuổi,
tập ăn bột loãng rồi sệt dần, 7-8 tháng ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc, 12 tháng
thì tập quen với cháo nấu còn hột và các thức ăn mềm như phở, bún, nui…,
trẻ 2 tuổi mọc đủ răng hàm thì ăn cơm.
Mỗi khi
chuyển tiếp chế độ ăn, những bữa đầu mới tập có thể trẻ sẽ nhợn ói, nhưng sau
đó trẻ sẽ quen dần. Nên chuyển đổi dần dần để trẻ dễ thích nghi. “Cai máy xay
sinh tố” bằng cách xay thô dần (thời gian xay ngắn lại), sau đó ăn cháo nấu
đánh qua rây inox có lỗ hơi to, chuyển dần với cháo hột, cháo đặc, cơm nhão
chan canh, rồi cơm hột…
2. Hâm đi hâm lại
Do quá bận rộn, một số bà
mẹ đã phải làm cách này vì thời gian hầm một nồi cháo khá lâu, mà bé lại ăn mỗi
bữa không nhiều. Khi hâm lại lần 1 rồi lần 2, lượng vitamin trong rau sẽ mất đi
gần hết và có mùi vị khó ăn. Trẻ lại bị ngán vì ăn 3 bữa chỉ có một mùi vị.
Nên hầm một nồi cháo
trắng khoảng 3 chén, sau đó múc ra một chén cháo để nấu riêng với thịt heo, rau
mồng tơi, dầu nêm nước mắm để ăn sáng, để phần cháo trắng còn lại vô tủ lạnh,
rồi trưa múc ra một chén để nấu với thịt bò, rau lang, dầu ăn nêm nước tương,
chén cháo còn lại ăn tối với đậu hũ, bí đỏ, dầu ăn nêm đường ngọt. Lưu ý sau
khi băm nhuyễn thịt, cá sống, nên đánh tan phần đạm này trong một ít nước lã
trước khi bỏ vào nồi nấu chín thì thịt sẽ không bị vón cục lại. Phần rau củ
cũng nên băm nhỏ để trẻ nhận được đủ chất dinh dưỡng và chỉ nên nấu rau một
lần.
3. Nên nêm nhạt cho trẻ
Trẻ nhỏ có cảm giác vị
giác tốt hơn người lớn rất nhiều, vì con người càng lớn thì lưỡi càng bị “chai
đi” và nhiều người già bị mất cả cảm giác này. Vì vậy khi nêm nếm thức ăn cho
trẻ, cần nêm nhạt hơn “lưỡi” của bạn một chút. Nếu người mẹ nêm vừa miệng mình
thì có lẽ là quá mặn hoặc quá ngọt so với trẻ.
4. Chất bổ không có trong nước hầm
Rất
nhiều bà mẹ đến gặp bác sĩ bức xúc tại sao mình bỏ nhiều công sức chăm con kỹ
vậy mà con vẫn bị suy dinh dưỡng. Ngày nào cũng tốn thời gian hầm xương với khoai
tây, cà rốt để nấu cháo cho trẻ mà trẻ vẫn ngày càng ốm đi, trong khi mẹ thì
ngày càng mập hơn vì cứ phải gặm thịt trong cục xương hầm. Các bà mẹ không biết
rằng trẻ không thể ăn canh xúp này liên tục trong một tuần. Trẻ nhỏ nhưng cũng
đã biết thưởng thức mùi vị, ăn mãi một món rất dễ thấy ngán. Và không phải món
ngon của mẹ luôn là món ngon của con. Cho bé ăn uống đa dạng, đổi món thường
xuyên là cách tốt nhất để bé nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng mà không bị
ngán.
Ảnh
minh họa
Phải cho bé ăn cả phần cái của thực phẩm hầm bằng cách băm nhỏ
Nhiều người quan niệm
nước hầm là một thức ăn đặc biệt bổ dưỡng vì họ nghĩ rằng sau khi hầm nhừ một
loại thực phẩm nào đó, tất cả những chất bổ tinh túy nhất của thực phẩm đã tan
vào trong nước, “phần cái” còn lại chỉ là “xác”. Tuy nhiên, các phân tích thành
phần dinh dưỡng đã cho thấy chất đạm (thịt, cá, tôm…) có nấu trong bao lâu thì
vẫn chỉ có ở phần xác mà không tan được vào trong nước, chất xơ trong rau củ
cũng vậy. Vì vậy muốn nhận đủ các chất dinh dưỡng, phải cho trẻ ăn cả phần cái
(xác) của thực phẩm bằng cách băm nhuyễn, cắt nhỏ, nấu mềm… Phần nước hầm có
một vị ngọt rất ngon nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng bao nhiêu.