Cách ứng xử khéo léo của người giáo viên đóng vai trò quan trọng và tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Trẻ luôn cần một hình mẫu để noi theo nhưng thực tế giao tiếp sư phạm vốn đa dạng, có khi chạm phải những vấn đề tinh tế, đòi hỏi người giáo viên đứng lớp phải biết linh hoạt, khéo léo và am hiểu biết sâu sắc về đặc điểm tâm sinh lý của từng trẻ.
Ở tuổi mầm non, cách hành xử của trẻ nhiều phần dựa trên bản năng – tức là hành động theo những gì bản thân muốn và chưa hình thành suy nghĩ logic. Với lòng kiên nhẫn, cô giáo dễ dàng nhận biết cách giúp trẻ kiềm chế được cảm xúc, và từ theo đó, giúp các em hướng đến những suy nghĩ đúng đắn.
Dưới đây là 10 cách thức giao tiếp giữa giáo viên/ phụ huynh và trẻ ở lứa tuổi mầm non, giúp trẻ trở nên ham học và biết cư xử phải phép.
1. Nói chuyện với trẻ trong quá trình nuôi dạy. Thay đổi ngữ điệu, giọng nói cho phù hợp với nội dung và hoàn cảnh giao tiếp.
2. Gọi tên trẻ, khuyến khích trẻ xưng tên và gọi tên người khác khi giao tiếp.
3. Làm mẫu các hành vi giao tiếp để trẻ bắt chước kèm theo lời nói: chào, tạm biệt, cảm ơn, không đồng ý, đồng ý, tập trả lời khi nghe gọi tên, v.v…
4. Khuyến khích trẻ bắt chước phát âm các từ mới. Giúp trẻ mở rộng câu.
5. Sử dụng đồ dùng, đồ chơi làm phương tiện phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ: phát triển ngôn ngữ và phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ (biểu lộ nét mặt, cử chỉ, điệu bộ khi chơi…).
6. Tập cho trẻ biết dùng câu hỏi và trả lời câu hỏi khi giao tiếp: Đâu? Con gì? Cái gì? Ai đây? Làm gì? (Kiên nhẫn đợi cho trẻ trả lời)
7. Cùng xem tranh, xem sách với trẻ: Hỏi han và chuyện trò về các nhân vật trong sách, tranh giúp trẻ bộc lộ cảm xúc bằng cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, v.v…
8. Cùng trẻ chơi các trò chơi dân gian, đọc các bài đồng dao… tạo sự thân thiết giữa cô và trẻ.
9. Dùng các chú rối trò chuyện với trẻ.
10. Tập cho trẻ giao tiếp với người lạ, với bạn để rèn tính cởi mở, mạnh dạn khi giao tiếp.
Ở bậc học này, mọi hành vi tương tác của cô nuôi dạy đều có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Do đó, bên cạnh lòng yêu quý nghề nghiệp, yêu thương trẻ, nắm được kỹ năng giao tiếp và ứng xử “tâm lý”, thì người thầy chẳng những gạt hái nhiều thành quả sư phạm hữu hình, mà còn mang lại cho trẻ những giá trị sống cao đẹp, làm cẩm nang cho thành trình học tập và lớn khôn trọn đời của các em nữa.