Phòng tránh tai nạn và thương tích cho trẻ ở tuổi mầm non là một trong các nhiệm vụ chung của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Tai nạn thương tích là một trong những tai nạn thường hay gặp ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ ở trong độ tuổi mầm non, vì trẻ ở lứa tuổi này rất hiếu động thích tìm tòi khám phá những điều mới lạ….
Trước hết là 1 nhân viên y tế trường mầm non Hoa Phượng tôi cần có những kiến thức cơ bản về các tai nạn thường gặp ở trẻ, biết được những thời điểm thường xảy ra tai nạn để có biện pháp phòng tránh và tuyên truyền với phụ huynh được biết. Vì vậy công tác tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích trong trường mầm non cho các bậc cha mẹ là một trong những công tác quan trọng không thể thiếu được..
Thực tiễn trong những năm qua đối với công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ trong trường còn gặp những hạn chế sau:
- Phụ huynh còn hay nuông chiều trẻ, thường hay ghé lại các hàng quán mua quà vặt cho trẻ.
- Nhiều phụ huynh lo việc sản xuất bôn ba với kinh tế gia đình nên chưa giành thời gian đưa đón trẻ đến lớp. Từ đó dẫn đến tình trạng một số cháu đến lớp, ra về gửi cho người khác đón, trẻ ngồi trên xe máy khi tham gia giao thông không có mũ bảo hiểm, luôn có quà vặt trong ba lô.
- Công tác chăm sóc giáo dục phòng chống tai nạn thương tích, vệ sinh cho trẻ qua sổ liên lạc của trẻ chưa được phụ huynh quan tâm đúng mức. Nhiều phụ huynh không theo dõi sự tiến bộ hay chưa tiến bộ của con mình qua phần đánh giá nhận xét của giáo viên nhà trường.
- Việc tuyên truyền phổ biến lồng ghép các hoạt động trong trường, lớp mầm non (Hoạt động chung, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời….) cho các bậc phụ huynh nắm bắt, mới nghe thật là đơn giản nhưng thực tế hầu như các bậc phụ huynh chưa biết tất cả các hoạt động và cách hướng dẫn của giáo viên cho trẻ được hoạt động như thế nào.
- Việc rèn luyện thói quen an toàn cho trẻ trong sinh hoạt vui chơi hàng ngày phụ huynh chưa hình thành cho các cháu từ nhà.
Từ những thực tiễn trên, trường chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền với các bậc phụ huynh và thu được kết quả khả quan. Các hoạt động tuyên truyền trong trường mầm non Hoa Phượng như sau:
Ảnh : Bảng tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích ở hành lang phòng y tế phụ huynh dễ quan sát, nắm bắt
- Tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan: Việc tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích ở trường lớp mầm non bằng hình ảnh trực quan là không thể thiếu. Hầu hết các trường màm non nào cũng thực hiện nhưng việc xác định nội dung tuyên truyền như thế nào cho phù hợp để phụ huynh nắm bắt kịp thời và cùng với nhà trường chăm sóc giáo dục các cháu đó mới là điều quan trọng, cốt lõi để đạt được hiệu quả mà nhà trường đặt ra.
- Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phòng chống tai nạn thương tích trong trường, lớp mầm non nên đã góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe, và đảm bảo sự tăng trưởng lành mạnh cho sự phát triển cơ thể trẻ, từ đó giúp trẻ có sức khỏe để làm tốtcác hoạt động do cô giáo hướng dẫn gợi ý đem lại kết quả khả quan.
- Nhà trường lên kế hoạch và biện pháp cụ thể để thực hiện ngay từ đầu năm học. Đồng thời kế hoạch được từng thành viên trong trường thống nhất, các bậc cha mẹ nắm rõ để ủng hộ, nhờ đó hiệu quả đạt được tốt hơn. Có các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích, như tuyên truyền, giáo dục can thiệp, khắc phục, giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn thương tích.
Ảnh : Nội dung bảng tuyên
truyền phòng chống TNTT
- Truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích bằng nhiều hình thức khác nhau như: tờ rơi, băng zôn, áp phích, khẩu hiệu, đặc biệt là tuyên truyền trực tiếp qua hệ thống loa truyền thanh của nhà trường để toàn thể CBGVNV nhà trường và phụ huynh học sinh nắm bắt các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ vào giờ đón, trả trẻ. Tổ chức thực hiện các hoạt động can thiệp giảm nguy cơ gây tai nạn thương tích.
Ảnh : Phác đồ cấp cứu ban đầu trong phòng y tế
- Cải tạo môi trường chăm sóc nuôi dạy an toàn. Thường xuyên kiểm tra, rà soát phát hiện và khắc phục các nguy cơ gây tai nạn thương tích, tập trung ưu tiên những tai nạn thương tích thường gặp do: ngã, vật sắc nhọn đâm, tai nạn giao thông, điện giật, bỏng, ngộ độc…. Huy động sự tham gia của tất cả các thành viên trong nhà trường, phụ huynh của trẻ và cộng đồng, phát hiện và báo cáo kịp thời các nguy cơ gây tai nạn thương tích để có các biện pháp phòng chống tai nạn tại trường.
- Để phòng tránh tối thiểu các tai nạn thương tích xảy ra tại trường, nhà trường yêu cầu giáo viên cũng như các bậc cha mẹ trẻ có ý thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích và hàng năm nhà trường có tập huấn lại cho giáo viên những kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ.
Ảnh tuyên truyền sơ cứu vết thương phần mềm cho trẻ mầm non
Nhờ làm tốt các biện pháp trên nên ở trường tôi những tại nạn thường gặp ở trẻ đã không còn, phụ huynh đã yên tâm hơn để gửi con mình vào lớp và họ cũng có kiến thức về bảo vệ an toàn và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ và phối hợp chặt chẽ với nhà trường, nhờ vậy mà công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ của nhà trường ngày càng mang lại hiệu quả cao hơn.